MỤC LỤC BÀI VIẾT
NƯỚC THẢI SẢN XUẤT BIA RƯỢU NƯỚC GIẢI KHÁT
Theo các báo cáo về thị trường bia rượu, nước giải khát Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam gần 5 tỷ lít, tỉ lệ tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam là thị trường lớn hấp dẫn đối với các nhà sản xuất bia rượu trong nước và quốc tế với sự hiện diện của các hãng bia và nước giải khát lớn như: Sabeco, Heineken, AbInBev, Coca Cola, PepsiCo, Habeco, Carlsberg, Tân Hiệp Phát, URC, …
Các nhà máy sản xuất bia rượu, nước giải khát thường phát sinh nước thải thông qua quá trình sản xuất nấu bia, đường hóa, làm sạch, tẩy rửa chai, vệ sinh bồn và đường ống, dây chuyền máy móc. Mặc dù các nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất bia rượu là tự nhiên và có vẻ vô hại, nhưng nước thải ngành bia rượu, nước giải khát rất khó xử lý vì nó chứa hàm lượng TSS, BOD và COD cao.
THÀNH PHẦN NƯỚC THẢI SẢN XUẤT BIA RƯỢU, NƯỚC GIẢI KHÁT
Nước thải bia rượu nước giải khát chứa đường và hàm lượng carbohydrate cũng như chất tẩy rửa và dung môi còn sót lại. Nhìn chung, nước thải sản xuất bia rượu, nước giải khát thường có thành phần và tính chất sau:
– Nồng độ đường cao
– Chất rắn dễ dàng biến thành bùn thải
– Độ pH từ 4-12
– COD trung bình trên 2000mg/l
– BOD trung bình trên 1000 mg/l
– Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) trung bình 500-1000 mg/l
CÔNG NGHỆ XỬ LÝ NƯỚC THẢI BIA RƯỢU, NƯỚC GIẢI KHÁT
Các trạm xử lý nước thải tại các nhà máy sản xuất bia và đồ uống liên tục bị thách thức bởi những thay đổi trong điều kiện đầu vào do sốc tải, thay đổi nhiệt độ, tăng sản lượng, thay đổi trong hoạt động sản xuất, sự cố tràn, nước rửa dâng cao, hoạt động trục trặc; và khả năng cân bằng hạn chế. Trong nhiều trường hợp, hệ thống xử lý bùn hoạt tính thông thường không có khả năng xử lý các biến thể lớn, đột ngột về BOD, COD và các chất dinh dưỡng.
Để khắc phục các nhược điểm trên, chúng tôi nghiên cứu và định hướng áp dụng công nghệ A2O, đây là công nghệ tiên tiến và hoàn chỉnh đã áp dụng thành công cho rất nhiều nhà máy bia tại Việt Nam và trên thế giới. Với công nghệ xử lý mới này, hệ thống nước thải được vận hành liên tục, hiệu quả xử lý luôn ổn định (vi sinh) và mức độ an toàn cao.
Công nghệ A2O hay AAO là quá trình xử lý sinh học liên tục, kết hợp 3 hệ vi sinh: kỵ khí (Anaerobic), thiếu khí (Anoxic), hiếu khí (Oxic) để xử lý phân hủy các chất ô nhiễm có trong nước thải.
- Quá trình xử lý Anaerobic (xử lý sinh học kỵ khí): Trong bể kỵ khí xảy ra quá trình phân hủy các chất hữu cơ hòa tan và các chất dạng keo trong nước thải với sự tham gia của hệ vi sinh vật kỵ khí. Vi sinh vật kỵ khí sẽ hấp thụ các chất hữu cơ khó phân hủy có trong nước thải, phân hủy và chuyển hóa chúng thành các hợp chất ở dạng khí Biogas và các chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học hơn.
- Quá trình xử lý Anoxic (Xử lý sinh học thiếu khí): Trong bể thiếu khí xảy ra quá trình khử nitrate với sự tham gia của hệ vi sinh vật hiếu khí trong điều kiện thiếu oxi. Nitơ ở dạng nitrate sẽ được khử thành khí nitơ thoát vào môi trường.
- Quá trình Oxic (xử lý sinh học hiếu khí): Quá trình phân hủy hiếu khí dựa vào hoạt động của vi sinh vật hiếu khí, chúng sẽ sử dụng oxy hòa tan có trong nước để phân giải chất hữu cơ thành nước và CO2. Trong bể hiếu khí cũng xảy ra quá trình nitrate hóa, chuyển hóa amoni trong nước thải thành nitrate, sau đó nước thải được bơm tuần hoàn về bể thiếu khí để thực hiện quá trình khử nitrate thành khí nitơ thoát vào môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia do Hòa Phát Eco thiết kế có đầy đủ các thiết bị phục vụ kiểm soát vận hành được lắp đặt như: đồng hồ đo lưu lượng, thiết bị kiểm soát pH, thiết bị kiểm soát oxy hòa tan, biến tần cho máy thổi khí và bơm, hệ thống SCADA giúp người vận hành có thể kiểm soát và điều khiển hệ thống một cách dễ dàng và an toàn.
QUY TRÌNH XỬ LÝ NƯỚC THẢI BIA RƯỢU, NƯỚC GIẢI KHÁT
Dựa trên thành phần tính chất nước thải đầu vào và yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý, các quy trình xử lý nước thải bia được thiết kế để phân huỷ các hợp chất hữu cơ có thành phần đường, cacbon, nitơ, phốt pho từ nguồn đầu vào. Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ thuyết minh quy trình xử lý nước thải cho một nhà máy bia do Hòa Phát Eco thiết kế và xây dựng.
Bể thu gom
Nước thải từ các khu vực sản xuất của nhà máy được thu gom và dẫn qua chắn rác thô để loại bỏ rác có kích thước lớn gây ảnh hưởng đến thiết bị trước khi chảy vào bể thu gom. Tại bể thu gom, nước thải sẽ được bơm bể cân bằng.
Bể cân bằng
Nước thải từ bể thu gom được bơm lên thiết bị lược rác tinh để loại bỏ cặn có kích thước ≥ 2mm. Tại bể cân bằng , nước thải sẽ được xáo trộn đều dưới tác dụng của máy khuấy chìm để ổn định lưu lượng, nồng độ các chất ô nhiễm. Nước thải từ bể cân bằng sau đó sẽ được bơm đến thiết bị trộn tĩnh để cân bằng pH trước khi dẫn đến bể yếm khí và bơm đến ngăn phân phối.
Bể yếm khí
Tại bể yếm khí, nước thải được phân phối từ dưới lên. Nước thải sẽ phản ứng với bùn yếm khí ở trên. Nước thải và bùn yếm khí được xáo trộn nhờ máy khuấy chìm. Lượng khí Biogas sinh ra trong quá trình phản ứng sẽ được dẫn đến đầu đốt khí Biogas đặt phía trên bể cân bằng. Nước thải sau phản ứng sẽ tự chảy vào bể lắng sau yếm khí.
Bể lắng sau yếm khí và bể chứa bùn
Tại cụm bể lắng sau yếm khí , bùn lắng sẽ được bơm tuần hoàn một phần về bể chứa bùn nén, một phần sẽ được bơm về bể yếm khí để đảm bảo nồng độ bùn trong bể. Phần khí sinh ra sẽ được dẫn đến đầu đốt khí Biogas trước khi xả ra không khí.
Bể kỵ khí UASB (bể Anaerobic)
Nước thải được bơm lên bể kỵ khí UASB (bể Anaerobic). Việc bổ sung thêm ngăn phân phối hoạt động kết hợp với bể UASB để đảm bảo vận tốc nước dâng luôn được duy trình ổn định trong bể mà không phải phụ thuộc vào công suất đầu vào.
Tại đây, nước thải được phân phối từ dưới lên sẽ tiếp xúc với lớp bùn kỵ khí. Hỗn hợp bùn kỵ khí trong bể sẽ hấp phụ chất hữu cơ khó phân hủy sinh học trong nước thải và chuyển hóa chúng thành các chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học đồng thời sinh ra khí metan CH4, khí cacbonic CO2 và các khí khác. Khí sinh ra sẽ được thu và dẫn lên hệ đầu đốt để đốt. Nước thải sau xử lý qua bể UASB sẽ tự chảy về bể thiếu khí Anoxic.
Bể xử lý sinh học thiếu khí Anoxic và hiếu khí Aerotank (bể Oxic)
Nước thải sau khi được xử lý kỵ khí sẽ được dẫn vào cụm bể xử lý sinh học thiếu khí Anoxic và hiếu khí Aerotank (bể Oxic). Tại đây, các thành phần ô nhiễm COD, BOD, N, P,… sẽ được xử lý thông qua hoạt động của các vi sinh vật thiếu khí và hiếu khí có trong hỗn hợp bùn hoạt tính. Quy trình xử lý tuần hoàn Anoxic – Aerotank (Oxic) giúp cho việc xử lý triệt để hàm lượng Nitơ trong nước thải.
Bể lắng sinh học và ngăn thu bùn sinh học
Tại bể lắng sinh học, quá trình tách pha xảy ra, bùn hoạt tính sẽ lắng xuống đáy bể lắng sinh học, nước trong sẽ tiếp tục chảy vào bể keo tụ . Bùn hoạt tính sau khi lắng sẽ được dẫn về ngăn thu bùn sinh học. Tại đây, bùn hoạt tính sẽ được bơm tuần hoàn lại về các bể sinh học thiếu khí và hiếu khí để ổn định nồng độ vi sinh.
Cụm bể keo tụ – tạo bông, bể lắng hóa lý
Tại bể keo tụ, dung dịch PAC được châm vào để keo tụ các tạp chất, xử lý Phốt pho và độ màu còn lại trong nước thải, sau đó nước thải tự chảy vào bể tạo bông. Tại đây, dung dịch Polymer Anion được châm vào bể để tăng khả năng kết dính của các bông cặn, nhằm xử lý hiệu quả cặn lơ lửng trong nước thải.
Bể chứa nước, bể khử trùng
Nước trong sau bể lắng hóa lý sẽ được dẫn một phần về bể chứa nước, một phần tự chảy vào bể khử trùng hiện hữu để khử trùng, loại bỏ các thành phần vi sinh gây hại. Tại đây, dung dịch Clorine được châm vào để khử trùng nước thải trước khi xả vào hệ thống cống thu gom nước thải của Khu công nghiệp.
Nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT, cột A và thải vào cống thu gom nước thải của Khu công nghiệp.
NHÀ THẦU XỬ LÝ NƯỚC THẢI NGÀNH BIA RƯỢU, NƯỚC GIẢI KHÁT
Hòa Phát Eco là nhà thầu xử lý nước thải có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công nước thải cho các dự án nhà máy bia rượu, nước giải khát, đồ uống tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi cung cấp giải pháp toàn diện từ hồ sơ pháp lý môi trường, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng cho đến dịch vụ vận hành và bảo dưỡng (O&M). Cho dù khách hàng là các nhà máy đồ uống, rượu vang, nước giải khát hay nhà máy bia với nhiều tính chất nước thải khác nhau, chúng tôi để có công nghệ và giải pháp xử lý phù hợp và tối ưu nhất. Từ công nghệ SBB, MBR, MBBR, cho tới tuyển nổi DAF, A2O hay các công nghệ xử lý nước thải thông minh trên thế giới hiện nay, chúng tôi đều nghiên cứu, cải tiến và áp dụng phù hợp cho các loại xử lý nước thải khó hay phức tạp nhất.
Các giải pháp và công nghệ xử lý của chúng tôi đề cao việc giảm thiểu sử dụng hóa chất, thân thiện với môi trường, tự động hóa điều khiển và vận hành thông minh. Từ đó mang lại cho Quý khách hàng hệ thống vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí vận hành. Đồng thời tạo nên giá trị và sự khác biệt cho Hòa Phát Eco – công ty xử lý nước thải bia uy tín và chuyên nghiệp tại Việt Nam.