TỔNG QUAN VỀ TÍN CHỈ CARBON. QUY TRÌNH CẤP TÍN CHỈ CARBON

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon (hay còn gọi là chứng chỉ carbon) là một chứng nhận mang tính thương mại, thể hiện quyền sở hữu về lượng khí CO2 (Carbon dioxide) hoặc các loại khí nhà kính khác.
Tín chỉ carbon cho phép chủ sở hữu nó được quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Nói cách khác, tín dụng carbon là việc doanh nghiệp gây ô nhiễm được cấp các đơn vị tín chỉ, cho phép họ thải ra một lượng khí thải nhất định với giới hạn quy định. Giới hạn này thường được điều chỉnh định kỳ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có quyền chuyển nhượng các đơn vị tín chỉ carbon không sử dụng cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu.
Doanh nghiệp cần chi trả cho các đơn vị tín chỉ carbon bổ sung nếu lượng khí thải của họ vượt quá giới hạn quy định. Thứ hai, họ có thể có lợi nhuận bằng cách giảm lượng khí thải và chuyển nhượng các đơn vị tín chỉ dư thừa của mình.
Hiện nay các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bắt đầu thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính hướng theo các cam kết khí hậu, đặc biệt là Hiệp ước khí hậu Glasgow được thông qua bởi 197 quốc gia tham gia Hội nghị COP26 – Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26. Hiệp ước khí hậu Glasgow với mục tiêu cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Việc này đã hình thành thị trường carbon, nơi các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán/cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết. Mỗi tín chỉ carbon tương ứng với một tấn khí CO2 hoặc lượng khí nhà kính quy đổi tương đương sang CO2 đã được ngăn chặn hoặc loại bỏ, đơn vị là CO2tđ trong tiếng Việt, hoặc CO2eq trong tiếng Anh.
CO2tđ là gì?
CO2tđ – trong tiếng Anh là CO2e – có nghĩa “tương đương với CO2”, là đơn vị đo tổng lượng khí nhà kính phát thải.
CO2tđ được sử dụng làm đơn vị chung của khí nhà kính (GHG). Khi định lượng khí nhà kính hoặc đề cập đến lượng phát thải, người ta sẽ quy đổi các loại khí sang CO2 và dùng đơn vị CO2tđ, hàm ý rằng lượng phát thải đó không chỉ có CO2. Vì lý do tương tự, các hệ số phát thải, dấu chân carbon cũng dùng đơn vị CO2tđ. Một ứng dụng khác của CO2tđ là trong thị trường carbon.
Ví dụ, một tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2tđ. Vì cũng đề cập đến khí nhà kính, hạn ngạch phát thải cũng dùng đơn vị là CO2tđ.

Cách tính tín chỉ carbon

Mỗi tấn CO2 được thải ra môi trường sẽ được quy đổi thành 1 tín chỉ carbon. Để đo lường số lượng tín chỉ carbon, doanh nghiệp cần xác định lượng khí thải carbon phát sinh từ một hoạt động cụ thể. Dựa trên lượng phát thải CO2, doanh nghiệp có thể tính toán được số lượng tín chỉ carbon đã tiêu thụ.
Ví dụ về tín chỉ carbon:
Giả sử có hai công ty, Công ty A và Công ty B. Theo quy định hoặc một tiêu chuẩn phát thải nào đó, mỗi công ty chỉ được phép thải ra 300 tấn carbon.
Tuy nhiên, Công ty A đang trên đà phát thải 400 tấn carbon trong năm nay, trong khi Công ty B sẽ chỉ thải ra 200 tấn.
Để tránh bị phạt hoặc đáp ứng tiêu chuẩn phát thải, Công ty A có thể bù đắp cho việc thải thêm 100 tấn CO2e bằng cách mua lại tín chỉ carbon từ Công ty B – bên có thêm dư địa phát thải dự phòng do sản xuất ít carbon hơn 100 tấn trong năm nay so với mức cho phép.
Nói một cách dễ hiểu, nếu một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn chỉ cho phép 10 tấn. Họ có thể mua lại 2 đơn vị tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp có lượng khí thải thấp hơn giới hạn và có đơn vị tín chỉ dư thừa. Quy trình này được xác nhận bởi bên thứ ba và các đơn vị tín chỉ này có thể được giao dịch trên thị trường carbon.

Phương pháp tính tín chỉ carbon

Hiện nay có 2 cách tính tín chỉ carbon phổ biến:
1. Phương pháp dựa trên hoạt động
Công thức:
Lượng khí thải khí nhà kính = Hệ số phát thải * Mức tiêu thụ/sản lượng
– Hệ số phát thải: hệ số này được quy định bởi các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia để tính toán lượng khí thải khí nhà kính cho từng hoạt động cụ thể.
– Lượng khí thải khí nhà kính: nhân hệ số phát thải với mức tiêu thụ nhiên liệu, nguyên liệu, sản lượng sản phẩm
Ví dụ: Một nhà máy sử dụng 100 tấn than đá trong một năm. Hệ số phát thải của than đá là 2,49 tấn CO2/tấn than đá. Lượng khí thải CO2 của nhà máy là:
Lượng khí thải CO2 = 2,49 tấn CO2/tấn than đá x 100 tấn than đá = 249 tấn CO2
Để bù đắp cho lượng khí thải này, nhà máy cần có hoặc mua 249 tín chỉ Carbon.
2. Phương pháp dựa trên hiệu suất
Công thức:
Lượng khí thải giảm = Lượng khí thải trước dự án – Lượng khí thải sau dự án
– Xác định lượng khí thải trước và sau khi thực hiện dự án giảm phát thải.
– Lượng khí thải giảm được sẽ được chuyển đổi thành tín chỉ Carbon.
Ví dụ: Một công ty thực hiện dự án trồng rừng để giảm phát thải khí nhà kính. Lượng khí thải trước dự án là 100 tấn CO2/năm. Sau khi thực hiện dự án, lượng khí thải giảm xuống còn 50 tấn CO2/năm. Lượng khí thải giảm được là:
Lượng khí thải giảm = 100 tấn CO2/năm – 50 tấn CO2/năm = 50 tấn CO2/năm.
Công ty sẽ được nhận 50 tín chỉ Carbon
Ngoài hai phương pháp trên, còn có một số phương pháp khác để tính toán tín chỉ Carbon, ví dụ như phương pháp dựa trên diện tích rừng.
3. Một số công cụ tính lượng khí thải Carbon:
– Công cụ tính toán lượng khí thải Carbon của UNFCCC: UNFCCC GHG Calculator
– Công cụ tính toán lượng khí thải Carbon của EPA: EPA GHG Calculator
– Công cụ tính toán lượng khí thải Carbon của The Carbon Trust: The Carbon Trust Carbon Calculator
Lưu ý:
– Việc tính toán tín chỉ Carbon cần được thực hiện bởi các tổ chức có chuyên môn và được cấp phép bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Các phương pháp tính toán tín chỉ Carbon có thể thay đổi theo thời gian và theo quy định của từng quốc gia.

Lịch sử tín chỉ carbon

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được ký kết vào ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại Nhật Bản và có hiệu lực từ ngày 16/02/2005. Nghị định thư Kyōto là một nghị định liên quan đến Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tầm quốc tế (UNFCCC) với mục tiêu mang tính bắt buộc đối với 37 nước công nghiệp trên thế giới và Liên minh Châu Âu (EU) về việc giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Các quốc gia tham gia cam kết có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay còn gọi là thị trường tín chỉ carbon.

Một số tổ chức chứng nhận tín chỉ carbon trên thế giới

– Verra Carbon Standard hay còn gọi là Tiêu chuẩn Carbon đã được xác minh (VCS), trước đây là Tiêu chuẩn Carbon Tự nguyện, là một tiêu chuẩn để chứng nhận tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải. VCS được quản lý bởi Verra, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ chuyên phát triển và quản lý các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, hành động vì khí hậu và hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Tính đến năm 2020, có hơn 1.500 dự án VCS được chứng nhận bao gồm năng lượng, giao thông, chất thải, lâm nghiệp và các lĩnh vực khác.
– Gold Standard (GS), hay Tiêu chuẩn vàng cho các Mục tiêu Toàn cầu, là một chương trình đánh dấu chứng nhận tiêu chuẩn và logo, dành cho các dự án giảm phát thải phi chính phủ trong Cơ chế Phát triển Sạch (Clean Development Mechanism), Thị trường Carbon Tự nguyện và các can thiệp khí hậu và phát triển khác. Nó được xuất bản và quản lý bởi Gold Standard Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Gold Standard được thiết kế với mục đích đảm bảo rằng tín chỉ carbon là có thật, có thể kiểm chứng và các dự án có những đóng góp có thể đo lường được cho sự phát triển bền vững.
– J Credit là một chương trình được quản lý bởi chính phủ Nhật Bản được thiết kế để chứng nhận lượng phát thải khí nhà kính được giảm và loại bỏ bởi các bể chứa ở Nhật Bản.
J-Credits là chứng chỉ có thể mua ở Nhật Bản để bù đắp carbon. Các khoản tín dụng này cho phép các công ty không thể giảm lượng khí thải carbon của họ bù đắp những lượng khí thải này và phấn đấu hướng tới trung hòa carbon.

Quy trình cấp tín chỉ carbon

Ai cấp tín chỉ carbon?
Tín chỉ carbon được chứng nhận bởi nhiều tổ chức và cơ chế khác nhau, bao gồm các tiêu chuẩn carbon độc lập, cơ chế tín chỉ quốc tế, và cơ chế tín chỉ quốc gia và địa phương. Cụ thể:
Thứ nhất, tiêu chuẩn carbon độc lập là những tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức quốc tế thiết lập các tiêu chuẩn để đảm bảo các dự án giảm phát thải carbon tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Họ phát hành tín chỉ carbon chủ yếu được sử dụng cho các mục đích tự nguyện, chẳng hạn như tuyên bố về trung hòa carbon của doanh nghiệp.
Hai tiêu chuẩn phổ biến nhất là: Gold Standard và Verra (VCS – Verified Carbon Standard) Trong đó, Verra cung cấp khuôn khổ để các dự án giảm phát thải được kiểm tra, đo lường và xác minh một cách độc lập. Họ cho phép một loạt các loại dự án, từ năng lượng tái tạo đến bảo tồn rừng, nhận tín chỉ carbon. Gold Standard đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt để đảm bảo các dự án không chỉ giảm phát thải mà còn đem lại lợi ích môi trường và xã hội bổ sung. Tín chỉ carbon từ Gold Standard thường được dùng bởi các doanh nghiệp và tổ chức để bù đắp phát thải.
Thứ hai, cơ chế tín chỉ quốc tế được quản lý bởi Liên Hợp Quốc (UNFCCC) nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong các hiệp ước quốc tế. Cơ chế này trước đây tuân theo Nghị định thư Kyoto và nay theo Thỏa thuận Paris. Các cơ chế này được tạo ra như một công cụ giúp các quốc gia đáp ứng các cam kết trong các hiệp ước quốc tế (tức là tuân thủ), nhưng một số tín chỉ cũng đã được sử dụng cho các mục đích tự nguyện.
Thứ ba là cơ chế tín chỉ quốc gia và địa phương, được thiết lập và cho phép sử dụng tín chỉ carbon để tuân thủ các quy định về phát thải tại nơi đó. Hầu hết các cơ chế này đã có ở Bắc Mỹ và Đông Á, thường tập trung hoàn toàn vào thị trường nội địa về vị trí dự án lẫn người mua. Những tín chỉ này được sử dụng theo các chương trình tự nguyện hoặc bắt buộc nơi đó, tùy quy định địa phương.
Quy trình đạt tín chỉ carbon
Để được cấp tín chỉ carbon, tổ chức hoặc doanh nghiệp cơ bản cần thực hiện các dự án giảm phát thải và đăng ký xin cấp chứng nhận tín chỉ carbon.
Có khoảng 170 loại dự án có thể được cấp tín chỉ carbon thuộc các nhóm ngành như: rừng và quản lý đất đai, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, công nghiệp, xử lý chất thải. Phổ biến là các dự án như trồng rừng, năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời), thu giữ và lưu trữ carbon (CCS).
Quá trình phát triển trải qua 5 bước cơ bản từ lên ý tưởng, phân tích khả thi, thu xếp tài chính, thực hiện và hoạt động. Để được cấp tín chỉ carbon, dự án cần đăng ký với các tổ chức định xin công nhận. Quá trình này cơ bản có 5 bước.
Ban đầu, họ hợp đồng với một bên thứ ba để thẩm định (thường kéo dài 3-6 tháng). Sau đó, đăng ký dự án theo tiêu chuẩn đã chọn với thời gian trung bình mất 3 tháng. Tiếp theo, tiến hành báo cáo mức giảm phát thải theo phương pháp và kế hoạch giám sát đã lựa chọn với tần suất thông thường mỗi năm một lần, tùy thuộc vào chất lượng và tính sẵn có của dữ liệu.
Trước khi đăng ký xin cấp chứng chỉ, bên triển khai dự án cần hợp đồng với một bên thứ ba được phê duyệt để thực hiện thẩm tra, mất khoảng 2 – 6 tháng. Sau khi hoàn tất, mất thêm khoảng 3 tháng để yêu cầu ban hành tín chỉ.
Sau khi được cấp tín chỉ carbon, các tổ chức và doanh nghiệp có thể bán hoặc trao đổi tín chỉ carbon trên các thị trường như EU Emissions Trading System (EU ETS), các sàn giao dịch tín chỉ carbon khác trên thế giới hoặc trong các khuôn khổ tùy theo cơ chế tín chỉ carbon được cấp.

Cách mua bán tín chỉ carbon như thế nào?

Bán chứng chỉ carbon là một quy trình phức tạp. Để đạt được thành công, yêu cầu doanh nghiệp cần hiểu biết sâu sắc về thị trường tín chỉ carbon, các quy định pháp lý, và cách tiếp cận khách hàng. Dưới đây là một số hướng dẫn chi tiết về cách bán tín chỉ carbon:
• Xác định nguồn tín chỉ carbon: Xác định nguồn tín chỉ carbon sở hữu, bao gồm các dự án bảo vệ rừng, sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc các hoạt động giảm thiểu khí thải.
• Đánh giá và xác minh: Thực hiện đánh giá và tính lượng tín chỉ carbon thông qua tổ chức chứng nhận hoặc chuyên gia độc lập.
• Thị trường và giá: Nắm vững thông tin về thị trường tín chỉ carbon, giá cả và xu hướng, các sàn giao dịch tín dụng carbon cũng như quy tắc giao dịch.
• Thực hiện giao dịch: Chọn phương thức bán thông qua các sàn giao dịch chính, đối tác thương mại, hoặc giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu mua tín chỉ carbon.
• Pháp lý và hợp đồng: Làm việc với chuyên gia pháp lý để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và có hợp đồng chính xác.
• Xây dựng thương hiệu: Xây dựng thương hiệu mạnh mẽ cho tín chỉ carbon để tăng giá trị thương hiệu và tiếp cận khách hàng qua các kênh truyền thông.
• Chứng nhận và tuân thủ: Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận và tuân thủ cần thiết, bao gồm quản lý môi trường và báo cáo hàng năm.
• Hỗ trợ khách hàng: Cung cấp thông tin rõ ràng và hỗ trợ khách hàng hiểu về giá trị của tín chỉ carbon, tác động tích cực của chúng đối với môi trường.
• Tìm kiếm cơ hội mở rộng: Tìm kiếm cơ hội mở rộng hoặc hợp tác để tăng cường nguồn cung và tạo ra giá trị thêm cho tín chỉ carbon.

Lợi ích và mục đích của tín chỉ carbon

Hiện nay, việc hiểu rõ về tầm quan trọng và lợi ích của tín chỉ carbon là một điều cần thiết và cũng là cơ hội chiến lược cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Những lợi ích to lớn mà tín chỉ carbon mang lại:
• Tín chỉ carbon giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon đưa vào không khí, giảm hiệu ứng khí nhà kính, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như tăng nhiệt độ, mực nước biển tăng cao, và cảnh báo môi trường khắc nghiệt. Bên cạnh đó, bằng việc thúc đẩy sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch, tín chỉ carbon hỗ trợ trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
• Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và đầu tư vào các công nghệ sạch để giảm thiểu khí thải. Điều này thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xanh và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển các công nghệ tiên tiến hơn, từ các nguồn năng lượng tái tạo đến công nghệ tiết kiệm năng lượng và hiệu suất cao.
• Việc giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ không chỉ giúp giảm bớt chi phí vận hành mà còn tăng cường lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bằng cách sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tối ưu hóa quy trình sản xuất, doanh nghiệp có thể giảm bớt các chi phí liên quan đến năng lượng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích ngay lập tức mà còn tạo ra một cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon có thể góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Thị trường này tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải như trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển năng lượng tái tạo…
Qua đó, khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể mua bán tín chỉ carbon với nhau, giúp các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn lực để thực hiện các cam kết khí hậu của mình.
• Thu thập và phân tích dữ liệu về khí thải cung cấp cho doanh nghiệp góc nhìn rõ hơn về ảnh hưởng của họ đối với biến đổi khí hậu và môi trường. Dựa trên các báo cáo này, doanh nghiệp có thể đưa ra các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu khí thải và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
• Tạo ra giá trị thương hiệu: Sử dụng tín chỉ carbon là một cách để doanh nghiệp chứng minh sự cam kết của mình với bảo vệ môi trường. Khi thực hiện những cam kết này, doanh nghiệp sẽ thu hút sự yêu mến từ khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan, từ đó tăng cường uy tín, gia tăng năng lực cạnh tranh trong ngành và trên thị trường.

Cơ sở pháp lý của việc phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

– Theo Luật Bảo vệ Môi trường:
Vào tháng 11 năm 2020, Luật Bảo vệ Môi trường đã trải qua sửa đổi đáng chú ý, đưa ra quy định mới về tổ chức và phát triển thị trường carbon nội địa (Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14). Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ quan trọng là thiết lập tổng hạn ngạch cho Hệ thống Giao dịch Phát thải (ETS) của Việt Nam và xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch.
– Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP:
Vào ngày 07/01/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn. Trong nghị định này, được quy định chi tiết về Điều 91 liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và Điều 139 liên quan đến hình thành và phát triển thị trường carbon, như đã quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.
– Theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg: 
Vào ngày 18/01/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg để quy định danh mục các lĩnh vực và cơ sở phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính. Trong đó có 1.912 cơ sở dự kiến sẽ tham gia vào thị trường carbon trong nước. Tiếp theo, vào ngày 15/11/2022, Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT được ban hành để quy định các kỹ thuật giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Qua bài viết này, chúng ta thấy được tầm quan trọng của tín chỉ carbon và vấn đề giảm phát thải CO2 trong tiến trình phát triển của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp về phát triển bền vững và đầu tư vào các công nghệ sạch để giảm thiểu khí thải. Điều này thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xanh và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển các công nghệ tiên tiến hơn, từ các nguồn năng lượng tái tạo đến công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Với kinh nghiệm lâu năm về các giải pháp bền vững trong môi trường và công nghiệp, Công ty Hòa Phát Eco đồng hành cùng các khách hàng, doanh nghiệp, nhà máy bằng các giải pháp như tái sử dụng nước thải, xử lý nước thải công nghệ cao, hệ thống sấy và đốt bùn thải, hệ thống xử lý và tái sử dụng khí biogas, zero liquid discharge, hệ thống hóa hơi và cô đặc chất thải, …
Cùng với tín chỉ carbon, các giải pháp của chúng tôi giúp khách hàng tối ưu về chi phí vận hành hệ thống, tự động hóa quy trình xử lý nước và chất thải, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, góp phần giảm phát thải khí CO2, đồng hành cùng cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường bền vững.
Hãy liên hệ với đội ngũ kỹ thuật của Công ty Hòa Phát Eco để được tư vấn về tín chỉ carbon và các giải pháp về bền vững Net Zero/Zero discharge, … cho doanh nghiệp và nhà máy của bạn.

 

Bài viết liên quan